HƯỚNG DẪN LÀM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP THÀNH PHỐ || SỞ GD&ĐT HÀ NỘI

Ngày 26/01/2024 17:08:10, lượt xem: 1409

Đề bài: Bằng những hiểu biết về văn học, em hãy bàn luận về ý kiến sau:
“Một câu thơ hay nhất thiết phải tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho người tiếp nhận. Tài năng và cống hiến của mỗi nhà thơ chính là ở chỗ đó.”
(Nhà thơ Phạm Công Trứ: Tựa vào những câu thơ hay, Báo Nhân dân hằng tháng, ngày 25/7/22023)

 

 

Bài làm:
Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-Xen Pruxt đã từng chia sẻ “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Quả thật là như vậy, thơ ca từ xưa đến nay luôn là cuộc thám hiểm để khám phá cuộc sống thực tại và nội tâm con người. Cũng bàn về thơ ca, đã có ý kiến “Một câu thơ hay nhất thiết phải tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho người tiếp nhận. Tài năng và cống hiến của mỗi nhà thơ chính là ở chỗ đó”, khẳng định đặc trưng của thơ dựa trên quá trình sáng tác của nhà văn và tiếp nhận của độc giả.


Văn chương là một thế giới huyền bí mà kỳ ảo và thơ ca cũng không ngoại lệ. Thơ ca là sự tiếp nối của tình cảm, cảm xúc, những tâm tư và rung động mà người nghệ sĩ đã kìm nén trong lòng và nó được bật ra thành tiếng. Ý kiến đã nêu lên yêu cầu có tính chất sống còn đối với tác phẩm nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, đó là những góc nhìn mới mẻ. Đi sâu vào ý kiến đánh giá, từ “phải" được đưa vào như một điều bắt buộc, nhiệm vụ cấp thiết của thơ ca. Nếu như chỉ là các đề tài quen thuộc, nếu như đó là sự sao chép vẹn nguyên hình ảnh cuộc đời thì nhà văn, nhà thơ với người thợ chụp hình sẽ không còn khoảng cách. Khi ấy, thơ ca không còn là thơ ca, nghệ thuật không còn là nghệ thuật nữa. Như hương ngọc lan nồng nàn trong đêm vắng, như tiếng chim sơn tước vút lên say đắm giữa cuộc đời, tài năng và cống hiến của nhà thơ chính là một cú hích sáng tạo cho tác phẩm, góp phần nối nhịp tâm hồn đồng điệu giữa tác giả - bạn đọc. Trong quá trình sáng tạo, thi nhân phải tự đốt lên trong bầu trời cảm xúc riêng mình một ngọn lửa sưởi ấm và soi sáng. Nếu như không để lại những day dứt, ám ảnh, không tạo được sự ngạc nhiên cho người đọc nghĩa là tác phẩm không còn bất cứ giá trị nào. Có thể nói, sự bình yên, phẳng lặng chính là cái chết của thơ ca nghệ thuật, cái chết của con người trong trái tim nghệ sĩ. Mỗi bài thơ, câu văn đều là kết quả quá trình sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ sau khi đã công phu chọn lựa và nhào nặn chất liệu hiện thực. Cuộc sống không ngừng đổi thay, độc giả cũng có cho mình những nhu cầu, đòi hỏi riêng về tác phẩm thơ ca. Soi chiếu từ góc độ bạn đọc, tác phẩm hay chủ thể sáng tạo, yếu tố ngạc nhiên và mới mẻ là lẽ sống còn của văn chương. Nó không chỉ làm nên sức sống, sức hấp dẫn mà còn tạo nên khuynh hướng cho tác phẩm, đồng thời chi phối sâu sắc tới hình thức nghệ thuật thể hiện. Sáng tạo là điều kiện cần cho mỗi người nghệ sĩ. Nó là sự tìm ra cái mới, cái lạ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
 

ĐỌC THÊM: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI || ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP THÀNH PHỐ HÀ NỘI (2022 - 2023)


Có thể nói, văn chương ra đời mà sống mãi trong lòng độc giả bởi “nó miêu tả cuộc sống không chỉ để miêu tả”. Đó chính là những góc nhìn mới lạ, những rung động mãnh liệt, chân thành của trái tim người nghệ sĩ. Chúng ta đều dễ dàng nhận thấy tài mệnh tương đố, xót thương cho số phận những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh luôn là tư tưởng xuyên suốt trong thơ ca trung đại. Nhưng ở Nguyễn Du, đó không chỉ là những day dứt, ám ảnh về thân phận của kẻ tài hoa bạc mệnh mà còn khiến người đọc ngạc nhiên khi tác phẩm còn là sự khóc thương cho cả chính mình, vang lên nỗi thương thân hữu hạn, mong manh, thương thân cùng đường, bế tắc… trong “Độc Tiểu Thanh kí":
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Trong cuộc đời bất hạnh của nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, ta gặp lại tiếng đàn Kiều mười lăm năm truân chuyên, ai oán, nghe đồng vọng giọt nước mắt âm thầm của người kĩ nữ Long Thành… Cuộc đời nghiệt ngã vùi dập kẻ tài hoa là hiện thực trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Du nhưng không hề trở nên quen nhàm mòn cũ bởi mỗi vần thơ lại là một xúc cảm khác nhau, mỗi lần làm thơ là một lần trái tim Nguyễn Du thổn thức rung động. Thi sĩ đã miêu tả từng câu, từng chữ đều thấm đẫm xót xa yêu thương, đều vang vọng nỗi thương xót của đời hoa giữa dòng nước xoáy. Cảnh đẹp Tây Hồ biến thành gò hoang hết thảy, đó là khung cảnh của thực tại, tại thời điểm mà Nguyễn Du xúc cảm viết nên tác phẩm, đứng trong đổ nát của thực tại để mà gợi tìm, suy ngẫm về quá khứ. Làm sao có thể thờ ơ vô tình khi nhớ về quá khứ tươi đẹp, khi cầm trên tay tập di cảo còn vương sót lại của đời người con gái tài hoa:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.”
“Chi phấn” nói về cái đẹp của giai nhân, cái đẹp hồng nhan, cái đẹp mĩ thể, cái đẹp hình sắc. Nếu “chi phấn” là cái đẹp mĩ thể, cái đẹp bên ngoài thì “văn chương” ẩn chứa vẻ đẹp của tâm hồn. Qua những lời văn của Nguyễn Du, ta sẽ thấy vẻ đẹp của thể xác, vẻ đẹp của tinh thần đều phải ôm nỗi hận, nỗi lụy, nỗi xót xa của hiện thực. Người ta chỉ hành hạ cái có thân xác cụ thể, vậy nhưng văn chương không có thân xác, văn chương là tinh thần mà phải chịu nỗi đau thể xác. Hai chữ “cổ kim” gợi dòng thời gian miệt mài chảy trôi, vô thuỷ vô chung từ xưa đến nay, từ đông sang tây; trên đó thấp thoáng tiếng khóc nàng Kiều, tiếng đàn bi thương của cô Cầm, tiếng hát của người ca nữ đất La Thành… Hay gần gũi hơn, ấy là cuộc đời trắc trở của những danh nhân như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi… và ngay cả tác giả Nguyễn Du… đều đổ bóng xuống hai câu thơ dưới ngòi bút Tố Như. Ông tự xếp mình là đồng hội đồng thuyền với Tiểu Thanh, cùng mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Ngậm ngùi ngơ ngác hỏi vào thinh không, hỏi về mối oan hận cổ kim vì đa tài đa nạn, song thật khó bởi người biết chắc chắn chẳng thể có được câu trả lời. Hận là nỗi buồn day dứt vì chẳng thể làm được điều mình mong muốn, nỗi đau tột cùng không thể giải toả, không thể sẻ chia vì những giá trị cao đẹp bị lãng quên, bị phí hoài, bị vứt bỏ. Oan là sự ý thức của cổ nhân về các giá trị bị chà đạp, bị kết tội một cách vô cớ, vô lí. Trong thơ mình, Nguyễn Du thể hiện nỗi đau đứt ruột xé lòng trước những đau khổ, bất hạnh về tâm và thân của những giai nhân tài tử rơi vào cảnh đời ngang trái. Theo dòng lệ ấy, xúc cảm chảy tràn, ý thức bản thân đã khiến Nguyễn Du đưa hình ảnh bản thân vào trong thơ:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
“Tam bách" là con số ước lệ, gợi đủ thời gian từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du, vỏn vẹn 300 năm, Nguyễn Du đang đứng ở hiện tại, đau nỗi đau của phận người 300 năm trước, khóc thương cho phận mình. Thời đại thay đổi, nhưng số phận của cái đẹp, của tài hoa không thay đổi. Trước sau tri kỉ có mấy ai đâu, vì thế mà Nguyễn Du chỉ hỏi “hà nhân?”, chỉ cần một ai đó thấu nỗi lòng này thôi, chẳng cần số đông cũng đã mãn nguyện rồi. Chưa cần đến lệ đổ thành dòng, chỉ đau cùng nỗi đau thôi cũng làm “ta” nguôi ngoai. Câu hỏi khiến lòng người se thắt, tựa hồ có vết dao cứa vào tâm can. Nỗi thương người, thương thân đã quyện vào một trong câu hỏi khao khát sự đồng vọng, sẻ chia ấy. Hai tiếng khóc ấy khi hòa nhập vào nhau, khi lại tách ra để thương người và tự thương. Cái hay, cái lớn của thi sĩ cũng chính là ở đó - con người không chỉ ý thức về nhân phẩm, tài năng cá nhân mà còn thức tỉnh nỗi đau của chính mình. Bài thơ mở đầu bằng khóc người, thương người và kết thúc bằng khóc mình, thương mình. Khóc người, thương người là sự mênh mang, cao cả của trái tim nhân đạo. Khóc mình, thương mình là sự sâu sắc của tư tưởng nhân văn.

Như vậy, qua một bài thơ ngắn, Nguyễn Du không chỉ tái hiện lại vẹn nguyên cuộc đời truân chuyên của một người con gái tài hoa bạc mệnh, sự thay đổi nghiệt ngã, vô tình của tạo hoá, sâu sắc hơn, qua đó Nguyễn Du đã thể hiện tấc lòng xót thương, đồng cảm với tiếng thét khổ đau đòi quyền sống của Tiểu Thanh. Từng câu, từng chữ vang lên tiếng hỏi đời, hỏi người, khao khát một giọt nước mắt chia sẻ nhỏ nhoi, ấm áp. Sức sống bất diệt của tác phẩm giúp người đọc khẳng định thêm ý nghĩa lời nhận định “Một câu thơ hay nhất thiết phải tạo ra được nỗi ngạc nhiên cho người tiếp nhận. Tài năng và cống hiến của mỗi nhà thơ chính là ở chỗ đó”. Thơ ca chỉ thực sự là thơ ca, nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó phản ánh nghệ thuật qua cảm xúc nồng nàn, mãnh liệt của nhà văn, khi mỗi tác phẩm là một dấu hỏi day dứt, trăn trở trước cuộc đời. Thái độ thờ ơ, nông cạn của người nghệ sĩ sẽ là cái chết đối với văn chương nghệ thuật. Bản chất của văn học là tình cảm, là góc nhìn mới mẻ - nơi tác phẩm ra đời, đi tới nơi níu lòng người đọc ở lại muôn nơi.

Sáng tạo là một điều thiết yếu trong sáng tác văn học. Nó là quy chuẩn, là yêu cầu mà mỗi người nghệ sĩ bắt buộc phải có được. Trong đó, "cái mới" sẽ được viết tùy theo quan điểm, quá trình trưởng thành và giá trị tư tưởng mà người viết muốn truyền tải. Những người nghệ sĩ khi ấy sẽ thực sự khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử văn học.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9
- Bộ video khóa học Bồi dưỡng học sinh giỏi - Lớp 9

Tin liên quan